Tai biên mạch máu não (đột quỵ) là căn bệnh phổ biến và có nguy cơ gây tử vong hàng đầu hiện nay.

Đột quỵ xảy ra đột ngột khi việc cung cấp máu lên não bị giảm hay tắc nghẽn. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc các di chứng như giảm trí nhớ, co cứng cơ, liệt nửa người,…

Các nguyên nhân thường gặp dẫn tới đột quỵ như do tác động tuổi tác, huyết áp cao, đường huyết không ổn định,… Một số người lầm tưởng rằng bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống thiếu khoa học.

khi bị đột quỵ não phải xử trí ra sao
Khi bị đột quỵ não phải xử trí ra sao!

PGS.TS MAI DUY TÔN Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cho biết có 3 dấu hiệu chính nhận biết nguy cơ xảy ra đột quỵ :

  • Yếu tay, không giơ tay được lâu
  • Quan sát khi người bệnh nói hoặc cười miệng bị méo sang một bên
  • Người bệnh nói không lưu loát, nói ngọng

Khi có một trong ba dấu hiệu trên hay có cả ba dấu hiệu thì nguy cơ đột quỵ là rất cao. Người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở Y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Xử trí khi đột quỵ

Khi bị đột quỵ cần gọi cấp cứu 115 ngay và ghi lại thời điểm phát bệnh.

Trong khi chờ xe cấp cứu, có thể sơ cứu như sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm xuống giường hoặc nền cứng, giữ nguyên vị trí vì nếu di chuyển có thể làm đứt mạch máu não.
  • Nới lỏng quần áo cho bệnh nhân, giữ không khí thoáng mát để người bệnh hít thở
  • Trong trường hợp có biểu hiện buồn nôn, nôn cần nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên lấy hết các dị vật trong miệng, móc hết đờm để bệnh nhân không bị sặc
  • Theo dõi nhịp thở và huyết áp. Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở cần hô hấp nhân tạo ngay
  • Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống, không xoa bóp cho bệnh nhân và không mạo hiểm tự điều trị.

Việc đưa bệnh nhân tới các cơ sở Y tế chuyên khoa sớm, kịp thời trong khoảng 3 giờ đầu thì cơ hội hồi phục mà không để lại di chứng là rất cao.

Đột quỵ tuy nguy hiểm nhưng nếu chúng ta duy trì một lối sống khoa học và lành mạnh thì vẫn có thể phòng ngừa. Lời khuyên của các bác sỹ chuyên ngành để giảm nguy cơ bị đột quỵ là:

  • Nên đi khám sức khỏe định kỳ
  • Ổn định huyết áp, ổn định đường huyết, ổn định trọng lượng cơ thể
  • Không sử dụng thuốc lá, ăn nhiều rau quả, thịt gà và cá
  • Thường xuyên vận động, thể dục.